Thời thơ ấu Alexandros_Đại_đế

Tranh khảm Alexandros đánh nhau với sư tử cùng với bạn của ông là Caterus.Tranh khảm thế kỷ thứ III, bảo tàng Pella

Alexandros Đại đế là con trai của vua Philipos II của Macedonia và người vợ thứ tư, công chúa Olympias xứ Ipiros. Thông qua vị vua khai quốc Macedonia là Karanos, Alexandros là hậu duệ của anh hùng Heracles. Bên họ mẹ ông, Alexandros là con cháu của Aeacides thông qua anh hùng Neoptolemus. Thông qua mẹ ông, Alexandros là anh họ thứ hai của một vị vua - chiến binh lỗi lạc khác là Pyrros. Pyrros là Quốc vương xứ Ipiros, tài năng của ông này đã làm cho nhân dân Macedonia nhớ tới Quốc vương Alexandros Đại Đế xưa kia, và danh tướng Hannibal đã đặt ông thứ hai trong danh sách các vị danh tướng kiệt xuất nhất, chỉ sau Quốc vương Alexandros.[9] Trong tiểu sử Alexandros Đại Đế, Plutarchus ghi nhận: Người ta nói rằng, vua cha Philippos II của ông lúc còn trẻ đã yêu cô thiếu nữ Olympias (lúc bấy giờ cả cha lẫn mẹ của bà đã qua đời) trên hòn đảo nhỏ Samothracia, tại đây họ được làm quen và hiểu được những phép lạ của giới tăng lữ: và sau đó, Philippos II hỏi ý anh trai của Olympias là vua Arymbas về việc kết hôn với bà, và vua này chấp thuận. Trong đêm trước khi cặp đôi nằm trên giường cưới, Olympias nằm mộng thấy sấm sét đánh vào tử cung của bà, và một ngọn lửa sáng rực tự gieo rắc nó thành nhiều đống lửa khác nhau. Còn vua Philippos II thì chiêm bao thấy mình niêm phong tử cung của Olympias, và con dấu niêm phong của ông có in hình một con mãnh sư. Tuy các thầy pháp và nhà tiên tri khuyên vua cần phải cảnh giác với vợ mình qua giấc chiêm bao này, nhưng Aristander người xứ Telmessus đổi ý: ông cho rằng Hoàng hậu Olympias đang có thai và không gì có thể che giấu được điều này, và thai nhi của bà chứa một hoàng nam có tính khí của loài mãnh sư.[10]

Cũng chính Plutarchus có kể lại một câu chuyện như sau: Nhiều lần ngủ trên giường của mình, Olympias thích nằm chung với rắn, mà có người cho rằng đây là nguyên nhân lớn nhất khiến cho nhà vua ghẻ lạnh với bà. Do đó, vua không nằm nhiều với bà, khác với lúc trước: hoặc là do vua sợ một sức mê hoặc hay bùa phép nào đó, hoặc là vua lo sợ rằng một vị thần linh nào đó đã yêu Olympias, mà mình là người trần mắt thịt không thể gặp được chư thần. Có người lại thuật câu chuyện này theo một lối nói khác: rằng phụ nữ các vùng đất Cổ Hy Lạp thời đó có được tâm hồn của thần Orpheus và tính nóng nảy thánh thiêng của thần Bacchus, do đó họ được gọi là Clodones và Mimallones (nghĩa là hung dữ, hiếu chiến), và làm những việc giống như các phụ nữ xứ Edonia và Thrace, sinh sống ở miền núi Aemus. Và do đó, có lẽ từ ngữ threskeuin tiếng Hy Lạp cổ đại (nghĩa là lòng thành kính quá mãnh liệt đối với chư thần) bắt nguồn từ họ. Olympias phải truyền cảm chư thần bằng sự điên cuồng và đanh đá thiêng liêng của mình, vì vậy trong những buổi lễ cúng tế thần linh, bà thường làm những trò hết sức man rợ và khủng khiếp. Bà múa cho thần Bacchus xem cùng với những con rắn xung quanh mình, làm đám đàn ông phát sợ.[10]

Nói chung, sau khi có chiêm bao, vua Philippos II sai Chaero người xứ Megalopolis) đến ngôi điện thờ thần Apollo tại Delphi, để hỏi ý thần linh xem giấc mộng của vua báo hiệu điều gì sẽ xảy ra? Philippos II đã nhận được câu trả lời rằng, ông phải thờ phụng thần Zeus chu đáo, hơn hết tất cả mọi vị thần khác. Và, nhà vua đã bị mất một con mắt khi đi chinh chiến, mà với con mắt này ông đã nhìn trộm qua buồng ngủ của vợ, thấy thần linh đội lốt loài rắn mà ngủ chung với vợ ông. Hơn nữa, theo như Eratosthenes, sau này khi Alexandros Đại Đế lên đường chinh phạt Á châu, Olympias đã tử tế từ biệt con mình, sau khi bà đã nói riêng với ông rằng ông thực chất là con của ai? Bà đã cúng tế vị thần ấy như thế nào? Để rồi ông thật xứng đáng là con của vị thần ấy. Cũng có người viết rằng Olympias bác bỏ huyền thoại này, bà nói:[10]

Alexandros sẽ không bao giờ để ta phải gây gổ với vợ thần Zeus chứ?
— Olympias

Lại nói, Hoàng tử Alexandros sinh vào ngày thứ sáu trong tháng sáu (tức tháng Hecatombaeon theo cách gọi của người Hy Lạp cổ đại, hoặc tháng Lous theo cách gọi của người Macedonia thời đó). Đúng ngày mà Alexandros được sinh ra, ngôi đền thờ thần ArtemisEphesus bị cháy rụi. Hegesias người xứ Magnesius có chứng kiến trận cháy kinh hoàng này, và lời than vãn cùng tiếng kêu ca của thần nữ Artemis thật quá lạnh lẽo đến mức nó có thể làm dập tắt đám cháy. Theo Plutarchus, không lạ gì nếu Artemis để cho ngôi đền này bị bùng cháy là do bà đang phải coi sóc vị vua tương lai Alexandros Đại Đế. Tuy nhiên, mọi giáo sĩ, nhà tiên tri và thầy pháp ở đều dự báo về sự đến gần của một hiểm họa cực kỳ nghiêm trọng: nét mặt họ hết sức hoảng sợ, họ phải chạy quanh, rồi chạy vào thành phố Ephesus vào kêu ca rằng, trận cháy là điềm báo trong ngày hôm ấy, một sức mạnh vô biên đã ra đời vào và sẽ tiêu diệt châu Á sau này. Ít lâu sau đó, Philippos II chiếm lĩnh được thành phố Potidae, và có ba tin vui đến với nhà vua làm cho ông hết sức sung sướng: trước tiên, danh tướng Parmenion đã đại phá tan tác quân Illyria, thứ hai, con ngựa của ông thắng giải và đạt được vòng nguyệt quế trong kỳ Thế vận hội tại Olympía lần này, và cuối cùng, Hoàng hậu Olympias đã hạ sinh một hoàng nam tên là Alexandros. Niềm sướng vui của nhà vua càng trở nên tột độ khi các nhà tiên tri tiên đoán rằng, do Alexandros đã hạ sinh giữa ba chiến thắng, vị vua tương lai sẽ đánh đâu thắng đó.[10]

Vóc dáng của Alexandros được thể hiện rõ nhất qua những bức tượng do Lyssipus tạc, theo Plutarchus, Lyssipus là người nghệ nhân xứng đáng nhất để tạc chân dung vị vua vĩ đại. Và trên thực tế, những đặc điểm của Alexandros mà sau này nhiều bạn hữu và vua chúa kế tục luôn mong muốn được kế thừa từ ông: cái cổ hơi nghiêng về bên trái, và đôi mắt ẩm ướt đã được hoàn toàn thừa nhận bởi các nghệ sĩ về sau. Họa sĩ Apelles sau này cũng có vẽ tranh Alexandros Đại Đế nắm giữ sấm sét trông giống như thần Zeus, tuy không nhấn mạnh rõ đến làn da của ông, nhưng làm cho nó thật tối, ngăm đen. Người ta thường nói Alexandros rất đẹp trai và vẻ đẹp của ông được thể hiện bởi phần da hồng sẫm nhạt ở xung quat ngực và mặt của ông. Vả lại, theo "Hồi ký" của Aristoxienus, miệng và thịt của Alexandros có vị ngọt ngào, trong khi làn da của ông có hương thơm ngát, đến mức ngấm vào mọi y phục của Alexandros. Có lẽ sự tỏa hương này là do tính khí nóng nảy của Alexandros, theo lời bàn của Plutarchus.[10]

Bấy giờ, vua nước Ba Tư phái sứ thần đến triều kiến Hoàng gia Macedonia, giữa lúc vua cha Philippos II đang phải đi chinh chiến ở phương xa nên Hoàng tử Alexandros vui vẻ tiếp đón phái sứ, và được họ nể phục vì sự nhã nhặn của mình. Bởi vì ông không hề hỏi họ những câu hỏi mang tính con nít, không thèm quan tâm đến những vấn đề linh tinh.[10] Trong cuộc đời, điều mà Alexandros khao khát hơn là hành động và vinh quang, chứ không phải thú vui và giàu có. Alexandros khao khát được nổi tiếng đến mức khi nghe về cuộc chinh phục của vua cha Philippos II, chàng không hề sung sướng vì được thừa hưởng một gia tài và quyền lực càng tăng thêm mà chỉ cảm thấy không vui vì những vùng đất còn lại cho chàng chinh phục giờ đây nhỏ nhé dần. Alexandros thường than phiền với bạn bè rằng nếu cứ đà này thì một khi chàng lên nối ngôi vua, trên thế giới sẽ chẳng còn việc gì để làm.

Alexandros chỉ muốn đất nước mình gặp khó khăn hay gây chiến tranh. Lúc đó chàng sẽ có môi trường lớn để thử thách lòng dũng cảm của mình và ghi lại dấu ấn của mình trong lịch sử. Chàng khinh thường cuộc sống no đủ và lười biếng.

Trong suốt cuộc đời chinh chiến của mình, Alexandros luôn cưỡi con thần mã yêu quý Bucephalus. Câu chuyện Alexandros thuần phục được nó ngay từ khi còn nhỏ là một trong những mẩu chuyển tiêu biểu nhất Alexandros, thể hiện tài nghệ của chàng ngay từ khi còn nhỏ như vậy. Theo trước tác của Plutarchus, mọi sự mở đầu với việc một lái buôn người xứ Thessaly là Philoneicus đã mang con thần mã dũng mãnh này đến bán cho vua Philippos II, với giá là 13 đồng talent. Nhà vua và các quan cận thần trong Triều đình cũng ra một cánh đồng, và tại đó mọi người thay nhau ra sức thuần phục con thần mã. Con thần mã thật quá hung dữ và khó có thể bị chế ngự: nó không cho bất kỳ một ai cưỡi lên lưng nó, nó cũng không để tâm đến bất kỳ một lời khuyên nào của mọi người dưới sự cổ vũ của Philippos II mà toàn là hất họ ra. Nhà vua tức giận, bèn đem trả con ngựa táo tợn này vì nó thật quá hoang dã và không thể kiềm chế được, nhưng Alexandros khi đang đứng đó, liền nói:[11]

Họ mất một con ngựa như thế chẳng qua là vì họ chẳng có kinh nghiệm và thật quá hèn nhát để có thể thu phục được nó.
— Alexandros Đại Đế

Đầu tiên Philippos II vẫn im lặng chứ không thèm để ý. Nhưng do Alexandros vẫn than vãn lặp đi lặp lại và trở nên hết sức là buồn bã, vua cha mới phán con: " Hoàng nhi cứ chê bai những người lớn tuổi hơn con cứ như là con biết nhiều hơn và làm tốt hơn họ vậy". Hoàng tử Alexandros trả lời: "Ít ra thì con cũng biết thuần phục con ngựa này chứ không tệ như họ!" Vua cha lại hỏi: "Và nếu Hoàng nhi không thể thu phục được nó, thì con phải làm gì để trả giá cho cái tính bốc đồng" của con. Alexandros không ngại gì:[11]

Con sẽ trả tiền mua con ngựa này, dưới sự chứng dám của thần linh.
— Alexandros Đại Đế

Thế là tất cả mọi người cười phá lên. Alexandros đánh cuộc và chàng chạy đến con thần mã. Chàng nắm lấy dây cương và dắt con ngựa đi theo hướng mặt trời; rõ rằng, chàng nhận ra rằng con thần mã này thường trở nên hoảng sợ khi nhìn thấy cái bóng của chính nó ở phía trước nó. Vì vậy chàng dắt con ngựa đứng yên đối diện với mặt trời rồi dắt nó đi theo hướng này. Mỗi khi con ngựa tỏ vẻ hung hăng hay giận dữ, chàng lại khẽ vuốt ve nó. Bất thình lình, Alexandros nhảy lên lưng con thần mã rồi nhẹ nhàng nhưng cương quyết giật dây cương cho đến khi tất cả vẻ hung dữ biến mất. Rồi chàng ra lệnh cho con Bucephalus phi nước đại, với giọng điệu hùng hồn hơn hẳn.[11]

Vua Philippos II và những người khác đứng xem rất lo lắng cho đến khi nhìn thấy Alexandros chiến thắng trở về. Nhà vua hết sức vui sướng và thỏa mãn, ông mừng đến mức phải rơi lệ. Trong khi đó, tất cả mọi người đều ầm ầm vỗ tay. Người ta nói rằng nhà vua bế Alexandros lên và hôn vào trán của chàng, sau đó ông đặt con xuống và tuyên bố:[11]

Hỡi con trai của ta con hãy tự tìm cho mình một vương quốc xứng đáng vì Macedonia qua nhỏ bé với con.

— Philippos II

Hầu hết mọi người đều xem Alexandros là một trong số rất ít Hoàng đế thời cổ đại, đã tiếp nhận một nền giáo dục và huấn luyện chuyên môn để giữ vai trò thống trị một đế quốc. Dưới sự sắp xếp của người cha, ngay từ năm 13 tuổi ông đã theo học Aristotle, một triết gia nổi tiếng người Hy Lạp.[12] Aristotle đã huấn luyện Alexandros về mọi mặt như thuật hùng biệnvăn học và gợi lên các sở thích của cậu ta trong khoa học, y khoatriết học. Aristotle đưa cho Hoàng tử Alexandros một bản sử thi Iliad của Homer, mà ông luôn giữ và đọc thường xuyên. Theo 10 đại hoàng đế thế giới, Alexandros rất ngưỡng mộ và luôn học hỏi theo sự nghiệp vĩ đại của người anh hùng Achilles thời chiến tranh thành Troia.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Alexandros_Đại_đế //nla.gov.au/anbd.aut-an35002922 http://books.google.ca/books?id=6_ctAAAAIAAJ&q=Nic... http://books.google.ca/books?id=OiM51I7_A1gC&pg=PA... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/14224 http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... //www.getty.edu/vow/ULANFullDisplay?find=&role=&na... http://www.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://www.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?lookup=... http://www.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?lookup=... http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/...